Vương miện Himalaya Krzysztof Jerzy Wielicki

Wielicki và Cichy ăn mừng khi đã trở về Trạm Căn Cứ từ đỉnh Everest sau sự kiện 17.2.1980 (ảnh: Bogdan Jankowski)

Vốn đang làm công việc chuyên môn là một kỹ sư điện tử nhưng sau khi trở về từ chuyến đi lịch sử 1980, đã có một sự chuyển biến lớn trong nội tâm Wielicki. Đến 1983, Wielicki quyết định dừng công việc quản lý tại phòng thí nghiệm hệ thống máy tính ở nhà máy sản xuất xe hơi Tychy. Ông gia nhập Câu Lạc Bộ Leo Núi Katowice để chuyên tâm phát triển sự nghiệp của một vận động viên leo núi.

Ngoài thì giờ dành cho luyện tập trong nước và xuất ngoại, Wielicki cũng như các thành viên trong câu lạc bộ tự tiếp thị bản thân và nhận làm công việc sơn ống khói cho các công trình cao tầng để có nguồn thu nhập nuôi gia đình và trang trải cuộc sống. Thông thường để sơn các tòa nhà cao cần lập giàn giáo. Việc này mất khoảng 3 tháng. Với Wielicki và các cộng sự, họ leo lên, sơn, và leo xuống chỉ bằng dây thừng. Vì thế thời gian chỉ mất 1 tuần. Đây cũng là dạng việc theo thời vụ nên họ có thêm quỹ thời gian trong năm cho việc leo núi. Ngày nay vẫn có thể nhìn thấy dấu tích công việc của Wielicki. Ông đã sơn nhà máy luyện thép Katowice, nhà máy khoáng sản, sản xuất băng chuyền, các ống khói nhà máy cấp nhiệt, tháp nước... khắp vùng Silesia, từ Trzebinia cho đến Zabrze.

Để có thêm tiền cho các chuyến đi leo núi đôi lúc Wielicki còn bán các vật dụng cá nhân. Có thời điểm Wielicki từng sang tận Alaska (Hoa Kỳ) làm công việc rút ruột cá để cải thiện thu nhập.

Một cách nữa để trang trải chi phí (quy đổi đồng dollar Mỹ) cho những lần leo núi ở nước ngoài đó là trao đổi hàng hóa để lấy tiền. Wielicki đổi thiết bị tự chế và nhất là thức ăn lấy dollar Mỹ với các đoàn thám hiểm khác để có ngoại tệ chi trả tại các nước Nepal, Pakistan và Ấn Độ.[5]

1984, Wielicki đã leo đến đỉnh Broad Peak trong một chuyến thám hiểm một mình và trở thành người đầu tiên trong lịch sử đạt tới độ cao 8.000m tính từ một Trạm Căn Cứ trong vòng 24 giờ. Ông đã leo đến đỉnh trong 16,5 giờ và quay về Trạm Căn Cứ trong vòng chưa đầy 6 giờ. Những đồng nghiệp tại Trạm đã đặt cho ông biệt danh là "Ngựa Trời" sau thành công này.

Năm 1986, cùng với Jerzy Kukuczka, Wielicki trở thành người đầu tiên trong lịch sử leo đến đỉnh Kangchenjunga (8586m) vào mùa đông.

Năm 1988, Wielicki leo đến đỉnh Lhotse (8516m) vào mùa đông một mình (solo). Đây là lần đầu tiên và duy nhất có một người chinh phục đỉnh núi ở ngưỡng 8.000m một mình vào mùa đông. Đáng kể là trong hành trình kể từ Trạm 3 ông đã không dùng bình oxy và lúc này trong người vẫn còn đang nẹp cố định vì chấn thương cột sống.

Wielicki cũng đã leo lên Dhaulagiri và Shishapangma một mình để thiết lập các tuyến đường mới.

Wielicki cũng đã một mình leo lên Gasherbrum II và Nanga Parbat, một kỳ tích chỉ được chứng kiến bởi một vài người chăn cừu Pakistan. Ông đã tham gia rất nhiều cuộc thám hiểm trên K2 (đỉnh cao thứ nhì thế giới, thuộc bộ ba Himalaya).

Năm 1996, Wielicki đã thực hiện một chuyến leo núi dọc theo mạn phía bắc của dãy Himalaya cùng với hai nhà leo núi người Ý.

Cũng trong năm 1996, với việc đạt đến độ cao 8126m của đỉnh Nanga Parbat, ông trở thành người thứ 5 trong lịch sử hoàn tất việc leo đến toàn bộ 14 đỉnh trên 8.000m của thế giới (còn được gọi là “Vương miện Himalaya”. Tính tổng, ông đã trải qua 15 lần trong 16 năm khởi đầu từ 1980 cho đến 1996 để đạt thành tích này.

Ở thử thách tại Nanga Parbat (còn được gọi là "Núi Tử Thần”’), Wielicki đã thực hiện theo phong cách solo. Nghĩa là ông tự mang thiết bị, thức ăn, lều bạt và hoàn toàn đơn độc. Không có một ai khác tại ngọn núi lúc bấy giờ. Ông chưa từng biết tới ngọn núi này, cũng không hề biết đường lên đỉnh. Trong một điều kiện thời tiết thuận lợi, ông đã hoàn thành việc lên đến đỉnh trong vòng 8 ngày, đây có lẽ một trong những quãng thời gian lên đỉnh ngắn nhất trong lịch sử. Trải qua tại Nanga Parbat được Wielicki xem là “thành tựu lớn nhất với tư cách cá nhân” trong sự nghiệp của ông.[6]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Krzysztof Jerzy Wielicki http://www.filigranowa.com/pages/guerrierseverest.... http://www.filigranowa.com/pages/lhotse.htm http://www.russianclimb.com/k2/interview.html http://pioletsdor.net/index.php/en/the-lifetime-ac... https://explorersweb.com/k2-how-to-climb-that-kill... https://lifestyle.livemint.com//fashion/beauty/how... https://www.outlookindia.com/outlooktraveller/ https://www.outlookindia.com/outlooktraveller/trav... https://www.thefirstnews.com/article/alpine-legend... https://www.thefirstnews.com/article/himalayas-kin...